Da có chức năng gì? đặc điểm cấu tạo nào của da thực hiện chức năng đó

Rate this post

Da là cơ quan lớn nhất, thuộc hệ bài tiết. Diện tích bề mặt da của người lớn khoảng 2 m2, và chiếm khoảng 16% trọng lượng cơ thể. Da không những có nhiệm vụ bao bọc cơ thể, là rào cản chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài, mà da còn là bộ phận điều hòa nhiệt độ, là một cơ quan dự báo cho những biến đổi xấu đang xảy ra ở toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.

Trong bài viết hôm nay hãy cùng Gly Derm tìm hiểu những kiến thức cơ bản về da và cấu tạo da.

Nội Dung Chính

Các lớp cấu tạo của da người

Cấu tạo da bao gồm 3 lớp tính từ ngoài vào là: Biểu bì, Trung bì và Hạ bì với các đặc điểm và vai trò cụ thể như sau:

Cấu tạo lớp biểu bì của da

Lớp biểu bì là lớp ngoài cùng của da. Lớp biểu bì được nuôi dưỡng bởi các mạch máu ở lớp trung bì. Độ dày lớp biểu bì phụ thuộc vào vị trí và bộ phận khác nhau, trung bình khoảng 0,5 – 1 mm. Da ở quanh mắt là mỏng nhất, và ở lòng bàn chân và lòng bàn tay là dày nhất.

Cấu tạo da lớp biểu bì
Cấu tạo da lớp biểu bì

Biểu bì chia thành 5 lớp: 

Lớp đáy (basal stratum) 

Là lớp dưới cùng của biểu bì nơi sản sinh ra các tế bào keratinocyte. Màng đáy gồm có 2 loại tế bào là tế bào đáy (tế bào sinh sản) và tế bào sắc tố.

Tế bào đáy có hình trụ, vuông góc với đường ranh giới của biểu bì và màng đáy. Chúng có nhân hình bầu dục hoặc dài, mang nhiều nhiễm sắc thể. Các tế bào được dính với nhau bằng bào tương. 

Tế bào hắc sắc tố tổng hợp melanin- một hắc tố giúp bảo vệ tế bào da khỏi tác hại của ánh sáng mặt trời, giảm nguy cơ ung thư da. 

Lớp gai (Stratum spinosum)

Lớp tế bào gai nằm ngay trên lớp đáy, gồm các tế bào hình đa diện xếp sát nhau. Các tế bào gai cũng có khả năng sinh sản. Quá trình sinh sản của lớp gai và lớp đáy xảy ra rất mạnh mẽ. Cứ khoảng 20-27 ngày, biếu bì lại được thay mới một lần.

Trong lớp tế bào gai còn có loại tế bào có khả năng di chuyển tên là Langerhans- chúng là một phần của hệ miễn dịch trên da.

Lớp hạt (Stratum granulosum)

Là lớp tế bào nằm trên lớp gai, gồm 3-4 hàng. Chúng là những tế bào hình dẹt và chứa các hạt sừng keratohyalin. Vì thế, ở lớp tế bào này, quá trình sừng hóa bắt đầu xảy ra.  Bề dày của lớp hạt dao động phụ thuộc vào mức độ sừng hóa. 

Lớp sáng (stratum lucidum)

Lớp sáng gồm có các tế bào trong, không có nhân, dẹt và  thường gồm 2-3 hàng. Lớp này chỉ có ở lòng bàn tay, bàn chân chúng ta. 

Các tế bào này chứa chất eleidin được tạo nên nhờ sự hóa lỏng các hạt sừng có nhóm disulfide.

Lớp sừng (Stratum corneum)

Lớp sừng có đặc điểm là không thấm nước, những tế cùng sẽ bong ra và liên tục có sự sừng hóa diễn ra giúp da được đổi mới hàng ngày, hàng giờ.

Cấu tạo lớp trung bì của da

Cấu tạo da lớp trung bì
Cấu tạo da lớp trung bì

Lớp trung bì là lớp ở giữa của da. Đây là lớp da dày nhất, khoảng 0,5 mm. Lớp trung bì được ngăn cách với thượng bì bởi màng đáy. Dich, chất dinh dưỡng sẽ thấm qua lớp màng này, lên trên để nuôi dưỡng thượng bì. 

Trung bì chứa nhiều collagen và elastin. Collagen cấu tạo nên da, còn elastin giúp phục hồi da. Nhờ vậy các chất này ở lớp thượng bì khiến cho da đàn hồi hơn. 

Ngoài ra, lớp trung bì còn chứa cả các dây thần kinh, tuyến mồ hôi và bã nhờn, nang lông, mạch máu.

  • Dây thần kinh giúp cho da có chức năng xúc giác. Mức độ phân bố dây thần kinh là khác nhau ở các vị trí trên cơ thể, nhờ vậy một số nơi trở nên đặc biệt nhạy cảm hơn ví dụ như đầu ngón tay, ngón chân.
  • Tuyến mồ hôi tạo ra mồ hôi, giúp điều hòa thân nhiệt và loại bỏ các chất độc, chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Tuyến mồ hôi ở nách và cơ quan sinh dục tiết ra nhiều hơn tạo ra mùi cơ thể. 
  • Tuyến bã nhờn tiết dầu nhờn giúp giữ độ ẩm cho da, đồng thời giúp rửa trôi, bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của các tác nhân lạ.
  • Các nang lông tóc tạo ra lông ở khắp cơ thể. Chúng ngoài nhiệm vụ thẩm mỹ, còn giúp điều hòa thân nhiệt, bảo vệ cơ thể. Các nang lông phân bố không đồng đều, như ở đầu thì sẽ có nhiều nang hơn tạo ra tóc, còn ở một số nơi như lòng bàn tay, chân thì lại không có. 
  • Các mạch máu cung cấp dinh dưỡng cho da, chúng co lại hay giãn ra tùy vào môi trường và cơ thể, nhờ đó giúp chúng ta điều hòa được thân nhiệt.

Cấu tạo lớp hạ bì của da

Cấu tạo da lớp hạ bì
Cấu tạo da lớp hạ bì

Lớp hạ bì là lớp dưới cùng của da, chứa các sợi collagen, sợi đàn hồi và mô liên kết gắn chặt với nhau như một lớp gel. Nhờ vậy khiến cho làn da săn chắc, khỏe mạnh, linh hoạt mang đến sự  trẻ trung hơn cho da.

Hạ bì còn chứa nhiều mạch máu lớn, nhiều sợi dây thần kinh… giúp nuôi dưỡng da và đảm bảo cho da thực hiện được các chức năng quan trọng của mình. Ở hạ bì có nhiều mạch máu lớn.

Đặc biệt, hạ bì còn được gọi là lớp mỡ dưới da vì nó là một kho dự trữ mỡ lớn nhất của cơ thể, có vai trò như lớp đệm, bảo vệ cơ thể khỏi những chấn thương cơ học. Độ dày của lớp mỡ này tùy thuộc vào vị trí bộ phận. Khi lớp mô mỡ này mất đi, da sẽ bị nhăn và lão hóa. 

Chức năng của da

Chức năng bảo vệ

Chức năng bảo vệ da
Chức năng bảo vệ da

Tránh các chấn thương cơ học

Da được cấu tạo 3 lớp hoàn chỉnh cùng với các sợi liên kết khiến cho da không những vững chãi như một bức “tường thành” kiên cố mà còn có tính đàn hồi, dẻo dai.

Từ đó giúp da có khả năng bảo vệ các cơ quan bên trong như các tạng, cơ xương và mạch máu, não bộ,… tránh khỏi các chấn thương cơ học từ bên ngoài.

Tránh khỏi các vi sinh vật

Các tế bào thượng bì trên da có cấu trúc biệt hóa không ngừng, vì thế khiến cho những tác nhân gây bệnh bám lại trên da luôn bị đào thải ra ngoài cùng tế bào sừng. Da có bề mặt khô ráo, tính acid yếu tạo ra môi trường không thuận lợi cho một số vi sinh vật.

Một số men tổng hợp tại da có tác dụng diệt hoặc ngăn cản vi khuẩn phát triển như Lysozym, Leukotaxin, men tăng sinh bạch cầu,…

Tránh khỏi tổn thương vật lý

Da có tính chất hấp thụ ánh sáng mặt trời. Các lớp sừng, lớp tế bào gai, tế bào đáy có khả năng hấp thụ hầu hết tia tử ngoại, bảo vệ cho cơ thể khỏi sự độc hại của chúng gây nên. Đồng thời, nhờ có cấu trúc gồm nhiều lớp vững chãi, da có khả năng ngăn cản không cho ánh sáng xuyên qua.

Tránh khỏi tổn thương bởi các chất hóa học

Da có pH khoảng 5,5-7,0, thay đổi tùy vị trí. Nhờ vậy, da có khả năng kiềm và acid hóa nhất định, để bảo vệ cơ thể khỏi các chất có tính acid, kiềm yếu.

Nhưng khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các chất hóa học chỉ ở mức tương đối, có nhiều chất vẫn có khả năng làm tổn thương da nặng hoặc xâm nhập được qua da vào trong.

Tránh mất dịch của cơ thể

Kết cấu đa tầng của da và đặc biệt là lớp sừng chặt chẽ, cộng thêm lớp mỡ ở dưới mà da có khả năng ngăn cản sự mất dịch, đảm bảo độ ẩm cho cơ thể.

Nhờ đó, cơ thể luôn giữ được độ ẩm cần thiết và da luôn căng mịn.

Chức năng điều hòa thân nhiệt

Da phủ khắp bề mặt cơ thể, có các tuyến mồ hôi, mạch máu dưới da và cơ co chân lông. Nhờ đó da có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ cơ thể với 90% lượng nhiệt thoát ra là do da.Da tỏa nhiệt chủ yếu thông qua 4 hình thức: bức xạ, bốc hơi, đối lưu, truyền dẫn. 

Khi trời nóng, mạch máu dưới da giãn, tăng lượng máu tiếp xúc với bề mặt da làm tăng khả năng tỏa nhiệt của da. Đồng thời, cơ thể điều hòa làm tăng tiết mồ hôi, mồ hôi sẽ mang theo một lượng nhiệt cơ thể, bay hơi, thoát ra môi trường bên ngoài. 

Khi trời lạnh, mạch máu dưới da co lại giúp giảm lượng máu dưới da, cơ chân lông co khiến da săn lại làm giảm khả năng thoát nhiệt ra môi trường bên ngoài. Đồng thời, cơ thể điều chỉnh làm giảm tiết mồ hôi để giữ nhiệt và lớp mỡ dưới da có vai trò như tấm cách nhiệt, hạn chế sự trao đổi nhiệt giữa cơ thể và môi trường từ đó giúp chúng ta không bị mất nhiệt.

Cấu tạo da phù hợp chức năng điều hòa thân nhiệt
Cấu tạo da phù hợp chức năng điều hòa thân nhiệt

Chức năng xúc giác

Lớp hạ bì của da có các sợi dây thần kinh nhận cảm, tiếp nhận thông tin, gửi về thần kinh trung ương để được xử lý và gửi lại các tín hiệu giúp chúng ta phản xạ, thích nghi với môi trường. Nhờ chức năng tiếp nhận cảm giác của da, chúng ta mới nhận thức được nóng, lạnh, êm ái, đau đớn,…

Các dây thần kinh nhận cảm của da rất quan trọng, Trong một số trường hợp không may xảy ra khiến các dây thần kinh này bị phá hủy như bỏng nặng ở cấp độ 3, cơ thể sẽ không còn cảm nhận được các cảm giác đau đớn nữa.

Chức năng bài tiết

Bài tiết mồ hôi

Giữ vai trò bài tiết mồ hôi chủ yếu là do tuyến mồ hôi nước hay tuyến bảo toàn (eccrine gland). Số lượng tuyến mồ hôi khác nhau tùy vị trí và cơ quan trên cơ thể..

Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể tăng tiết các chất Pilocarpin, cholin, adrenalin, nhờ đó kích thích tăng bài tiết mồ hôi. Ngược lại khi atropin được tiết ra, khả năng bài tiết mồ hôi sẽ bị ức chế.

Sự bài tiết mồ hôi còn có thể do tuyến mồ hôi nhờn hay tuyến đầu hủy (apocrine gland) do tuyến thượng thận điều khiển. Tuyến tập trung chủ yếu ở phía ống tay ngoài, nách, núm vú, rốn, hậu môn, tuyến sinh dục. Tuyến mồ hôi nhờn hoạt động mạnh vào tuổi dậy thì, yếu dần ở người già.

Mồ hôi được bài tiết giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt, và đào thải các chất cặn bã, chất độc hại.

Bài tiết chất bã

Sự bài tiết chất được điều hòa bởi các nội tiết tố. Chất bã giúp cho da mềm mại, lông tóc óng mượt, móng tay, móng chân chắc khỏe, bóng bẩy.

Nếu khả năng tiết chất bã bị giảm, da sẽ trở nên thô ráp, bong vảy. Ngược lại, nếu chất bã bị bài tiết quá nhiều, da sẽ trở nên nhờn rít, nhiều mụn trứng cá, lỗ chân lông to.

Chất bã giúp da chống nhiễm trùng, nhưng nếu quá trình bài tiết chất bã bị rối loạn, sẽ càng khiến da thu hút thêm vi khuẩn gây bệnh.

Chức năng chuyển hóa

Da giữ vai trò quan trọng trong hệ thống cân bằng nước, điện giải. Đặc biệt, da là một trong những nguồn cung cấp vitamin D quan trọng cho cơ thể.

Khi da tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời, da có khả năng tự tổng hợp được vitamin D nhờ sản xuất Cholecalciferol (D3) ở lớp thượng bì. Da có chứa nhiều muối và các men, vitamin cần thiết cho cơ thể.

Các chức năng khác của da

  • Chức năng miễn dịch
  • Chức năng hô hấp
  • Chức năng phản ánh tình trạng sức khỏe hiện tại của cơ thể
  • Chức năng tạo ngoại hình

Dược sĩ Đỗ Ánh

Dược sĩ Đỗ Ánh | Dược sĩ trường Đại Học Dược Hà Nội