Mang thai là hành trình vất vả nhưng vô cùng thiêng liêng đối với chị em phụ nữ. Bất kỳ bà mẹ nào cũng mong muốn con mình khỏe mạnh và phát triển thể chất tốt nhất. Chính vì vậy mà chế độ dinh dưỡng của bà bầu có vai trò vô cùng quan trọng trong thời kỳ này. Dinh dưỡng tốt, giúp bảo vệ tốt cho sức khỏe cả bà mẹ và thai nhi. Đây chính là những bước đầu chuẩn bị những gì tốt nhất mà các bà mẹ dành cho sự chào đời của con trẻ. Sau đây, mời bạn đọc cùng tìm hiểu với Glyderm những điểm đặc biệt trong chế độ ăn dành cho bà bầu nhé.
Nội Dung Chính
Chế độ dinh dưỡng của mẹ có ảnh hưởng đến em bé không?
Chế độ dinh dưỡng của mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của thai nhi.
Ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi
Cân nặng của thai nhi được coi là một trong các chỉ số đo cơ thể quan trọng, nhằm đánh giá sự phát triển thể chất của thai nhi trong bụng mẹ. Cân nặng tăng đều qua từng giai đoạn là cơ sở để bác sĩ theo dõi tăng trưởng của thai nhi.
Nếu thai phụ thực hiện tốt về chế độ dinh dưỡng thai kỳ, cung cấp đầy đủ các nhóm chất, vitamin và khoáng chất trong thời kỳ này, sẽ tạo điều kiện cho con phát triển khỏe mạnh. Thức ăn là nguồn dinh dưỡng tốt, là nguyên liệu cho người mẹ tăng sinh hồng cầu, tăng lưu lượng máu tới thai nhi. Qua hệ tuần hoàn nhau- thai, thai nhi được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, cũng như oxy để phục vụ cho sự biệt hóa và hoàn thiện cơ thể của em bé.
Vì một lý do nào đó, thai phụ bị thiếu dinh dưỡng làm cho lượng máu tới thai nhi giảm, nhịp tim chậm, sự phát triển của thai chậm. Dẫn tới nguy cơ thai suy dinh dưỡng, thậm trí dọa sảy thai trong 3 tháng đầu hoặc dọa đẻ non trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Thiếu dinh dưỡng làm tăng nguy cơ thai chết lưu
Khi nằm trong bụng mẹ, em bé phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dinh dưỡng được chuyển từ mẹ sang con thông qua bánh rau và dây rốn. Chế độ dinh dưỡng của mẹ không đủ cung cấp cho thai nhi là nguyên nhân chính, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của em bé. Khả năng sinh tồn của thai nhi bị đe dọa. Kém thích nghi với các thay đổi của cơ thể, cũng như các tác động của môi trường bên ngoài. Do đó làm tăng tỷ lệ thai chết lưu trong bụng mẹ.
Ảnh hưởng tới trí tuệ của thai nhi
Trong giai đoạn thai kỳ, thai nhi có nhu cầu năng lượng rất lớn. Do thời kỳ này mọi hoạt động tế bào đều phát triển với tốc độ biệt hóa nhanh chóng. Bằng chứng là chỉ trong thời gian khoảng 37- 40 tuần, thai nhi phát triển từ phôi thai thành một em bé hoàn chỉnh cả về thể chất và trí tuệ.
Đặc biệt, sự phát triển của các tế bào thần kinh tốt là nền tảng quyết định em bé sinh ra có thông minh hay không. Chính vì vậy, mẹ bầu cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để cung cấp cho con các “nguyên liệu” quan trọng để phát triển hệ thống thần kinh tốt nhất, giúp con thông minh, khỏe mạnh hơn.
Dễ mắc các dị tật bẩm sinh
Chế độ dinh dưỡng thai kỳ nghèo nàn là nguyên nhân thiếu hụt các chất giúp biệt hóa tế bào của cơ thể thai nhi. Đặc biệt sự thiếu hụt một số chất dinh dưỡng như acid folic, iot có thể dẫn đến dị tật ống thần kinh hoặc các tật thiểu năng trí tuệ.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không đáp ứng nhu cầu của thai nhi cũng làm tăng tỷ lệ mắc các dị tật bẩm sinh khác như tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch ở trẻ.
Can thiệp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng này có thể giảm tới 50% trẻ mắc dị tật bẩm sinh khi chào đời.
Các ảnh hưởng khác
Chế độ dinh dưỡng của mẹ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Nếu không chú ý dinh dưỡng cho mẹ, có thể gây các bệnh lý ở thai nhi
- Thiếu vitamin B1: Gây nên tình trạng phù chân ở trẻ sơ sinh.
- Thai phụ thiếu máu: Làm tăng nguy cơ thiếu máu ở thai nhi.
- Thiếu canxi: Thai phụ có thể có các biểu hiện co giật, tê bì tay chân, chuột rút, loãng xương,… Ảnh hưởng tới sự phát triển của em bé trong bụng mẹ.
Ngoài ra, nhu cầu về nhiệt lượng của thai phụ cũng tăng lên trong thai kỳ. Đặc biệt ở giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, nhiệt lượng cần tăng mỗi ngày khoảng 300 kcal so với nhu cầu cơ thể khi chưa có thai.
Bất kể sự bổ sung thiếu hụt hay thừa năng lượng đều gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của cả mẹ và bé.
Các bà mẹ nên thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng các nhóm chất và vitamin. Đồng thời kết hợp với chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý nhằm tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho con mình.
Nhu cầu dinh dưỡng thai kỳ
Việc đảm bảo dinh dưỡng thai kỳ là rất quan trọng. Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của bà bầu tăng cao cả về số lượng và chất lượng thực phẩm cung cấp cho cơ thể. Nhằm đảm bảo cung cấp cho các hoạt động của cơ thể, sự thay đổi sinh lý của người mẹ như biến đổi chuyển hóa, tích lũy mỡ, tăng cân. Còn cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và sự tiết sữa sau này.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, bà mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ các 4 nhóm thành phần thức ăn: glucid, lipid, protein, vitamin và khoáng chất.
- Protid: Khi có thai cần 1.5g/kg/ngày. Bà mẹ nên bổ sung đa dạng bao gồm cả đạm động vật và đạm thực vật. Đạm động vật có nhiều trong cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa,…Đạm thực vật có nhiều trong các loại đậu, lạc, vừng, mè,…Protid có vai trò quan trọng và vô cùng thiết yếu. Do protid là thành phần cấu tạo nên các acid amin, tham gia vào quá trình sản sinh ra kháng thể. Chúng tạo nên hàng rào miễn dịch cho mẹ và bé. Chống lại các tác nhân gây bệnh ngoại sinh, cũng như yếu tố nội sinh trong thời kỳ mang thai. Nếu không cung cấp đủ nhu cầu protid cho cơ thể, sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể mẹ và thai chậm lớn, thai nhỏ cân so với tuổi thai. Thậm chí tăng nguy cơ gây suy dinh dưỡng thai kỳ hoặc đẻ non.
- Lipid: Đóng vai trò là môi trường hòa tan một số vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin D, vitamin K. Nhu cầu lipid cần trong thời kỳ này là 0.8-1 g/kg/ngày. Bà mẹ cần bổ sung lipid có nhiều trong mỡ động vật. Hoặc lipid có trong các loại dầu thực vật như dầu vừng, dầu lạc, dầu olive, dầu hạt hướng dương, dầu hoa cải,… Cũng rất tốt cho hệ tim mạch. Bà bầu nên ăn ⅗ lipid có nguồn gốc động vật và ⅖ lipid có nguồn gốc thực vật để cung cấp nguồn lipid đa dạng, giàu năng lượng tốt cho cơ thể.
- Glucid: Đây là nhóm thức ăn chứa nhiều năng lượng, có nhiều trong các loại lương thực, thực phẩm như gạo, ngô, khoai, sắn, đường mật mía, củ cải,… Mỗi bà mẹ cần khoảng 300-400g/ngày để cung cấp và duy trì năng lượng cho cơ thể. Bất kỳ chế độ ăn quá nhiều glucid hay thiếu hụt glucid đều có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé. Chính vì vậy việc cung cấp đủ glucid trong các bữa ăn hàng ngày là cần thiết và quan trọng, giúp cho mẹ và bé tăng cân đều.
- Canxi: Nhu cầu về canxi tăng 30% so với trước khi có thai, khoảng 1.5g/ ngày. Thiếu canxi bà mẹ sẽ có các biểu hiện kích thích thần kinh, gây co giật, chuột rút, đau khớp vệ. Đồng thời, thai chậm lớn, kém phát triển trong tử cung.
- Phospho: Tăng 10% so với lúc trước khi có thai. Lượng trung bình cần khoảng 1.5g/ngày. Canxi và phospho cần phải có sự cân đối thì cơ thể mới hấp thu được. Tỷ lệ canxi/phospho lí tưởng là 1. Các chất này có nhiều trong trứng, đậu, cua, tôm, phomat, rau quả khô, cải xoong, mồng tơi,…
- Magnesium và sắt: Rất cần thiết cho thai nghén. Nếu thiếu Magnesium có thể gây co giật. Nếu thiếu sắt có thể gây thiếu máu nhược sắc. Để cung cấp đầy đủ magnesium và sắt, bà bầu nên bổ sung các loại thực phẩm như gan, rau muống, cua, thịt, ngũ cốc,…
- Muối: Có tác dụng giữ nước và cân bằng điện giải cho cơ thể thai phụ.
- Các vitamin: Là những yếu tố vi lượng rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, chống táo bón cho mẹ. Các loại vitamin A, D, E, vitamin B1, vitamin B2,…có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi.
- Nước uống: Nước là chất không thể thiếu trong việc phát triển các tế bào của thai nhi. Ngoài ra chúng còn giúp duy trì lượng máu trong cơ thể và là dung môi để hấp thu những chất dinh dưỡng khác. Nước cũng giúp ngăn chặn sự nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu hóa,… Mỗi ngày nhu cầu uống nước của bà bầu khoảng 1.5-2 lít.
Những thực phẩm tốt cho bà bầu trong 3 tháng đầu
Trong thời kỳ thai nghén, 3 tháng đầu là giai đoạn rất quan trọng với cả mẹ và thai nhi. Đây là thời kỳ sắp xếp tổ chức. Trong đó điển hình là sự hình thành bào thai và sự phát triển phần phụ của thai nhi.
Mặt khác, đây là giai đoạn mẹ bầu thích nghi với quá trình phát triển của thai nhi trong buồng tử cung. Do đó mẹ bầu có thể có các biểu hiện thai nghén như: buồn nôn, nôn thực sự. Nôn khan hoặc nôn ra thức ăn. Thay đổi về khứu giác như thích hoặc sợ mùi nào đó.Thèm hoặc sợ một số loại thức ăn nào đó. Vị giác cũng thay đổi hoặc có sở thích ăn vặt.
Chính vì thế mà ở giai đoạn này, các mẹ nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để cung cấp nhu cầu năng lượng tăng cao của cơ thể.
Các mẹ bầu nên ăn một số loại thực phẩm tốt dưới đây.
Gừng tươi
Gừng là thực phẩm có vị cay, tính ấm, không độc. Nó có tác dụng tăng tuần hoàn máu, cải thiện tình trạng tiêu hóa của mẹ, trị lạnh, cảm mạo tốt.Gừng được quy vào loại dược phẩm tự nhiên có tác dụng bổ phổi, tì, lá lách.
Dùng gừng tươi để chế biến trong bữa ăn thường ngày hoặc sắc nước uống, có tác dụng giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn khan cho thai phụ. Điều này rất hữu ích cho các chị em ốm nghén, khó khăn trong việc ăn uống khi mang thai. Nước gừng tươi giúp các chị em cải thiện các biểu hiện của nghén. Bên cạnh đó, gừng tươi là thực phẩm có nguồn gốc thực vật nên rất an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Tuy nhiên, các mẹ bầu không nên ăn quá nhiều gừng. Do tính ấm, nóng của gừng tươi, có thể gây khô miệng, đau họng, táo bón… Đối với các chị em có thể trạng nóng, nên tránh ăn gừng.
Không ăn gừng đông cứng hoặc gừng giập nát, có dấu hiệu hỏng, biến chất do có thể gây ung thư.
Vừng
Vừng có hai loại là vừng trắng và vừng đen. Chúng đều là những thực phẩm tốt, có thể dùng để chế biến hoặc trang trí món ăn, hay ép dầu vừng, dầu mè.Trong mỗi hạt vừng chứa rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho mẹ bầu và thai nhi như đạm, caroten, vitamin E, vitamin nhóm B, sắt, đồng, kẽm, silic,… Ngoài ra hàm lượng canxi có trong vừng cũng rất đậm đặc, giúp cho mẹ bầu chắc khỏe răng, xương, ngăn ngừa loãng xương trong thai kỳ.
Hơn nữa nguồn cung cấp chất béo chứa trong vừng có tác dụng nhuận tràng rất tốt cho thai phụ bị táo bón.
Không những thế, khi chế biến thức ăn mùi thơm của vừng còn làm tăng cảm giác ăn ngon, giúp bà bầu tăng cân trong quá trình mang thai.
Lưu ý: Không nên ăn vừng cùng với thịt gà, do hai loại thức ăn này có tính tương kị nhau. Khi ăn kết hợp có thể gây ngộ độc, tiêu chảy, nôn,… Nếu có các triệu chứng này, hãy uống nước cam thảo để giải độc.
Do mỗi hạt vừng được bao phủ bởi một lớp màng cứng bên ngoài. Vì vậy khi sử dụng vừng để chế biến thức ăn, các mẹ nên giã vừng thật nhỏ để hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.
Đậu phụ
Đậu phụ là thực phẩm được làm từ đậu tương, có tính mát và giá trị dinh dưỡng cao. Hàm lượng dinh dưỡng có trong đậu phụ được sánh ngang với sữa bò. Chính vì thế đậu phụ được sử dụng thường xuyên trong bữa cơm gia đình Việt.
Đậu phụ rất giàu các chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, canxi, muối,…Giúp thúc đẩy sự rắn chắc của xương và răng. Đồng thời có tác dụng bảo vệ thành mạch khỏi các hạt cholesterol trong huyết tương. Từ đó giúp mẹ bầu ngăn ngừa các nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung.Đặc biệt đậu phụ chứa ít đường, giàu đạm thực vật thích hợp cho phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ.
Khi sử dụng đậu phụ để chế biến thức ăn, cần lưu ý một số thực phẩm tương kị sau:
Mật ong: Có thể gây điếc tai, nếu ăn chung với nhau trong một thời gian nhất định.
Thịt vịt
- Đây là thực phẩm bồi bổ giàu dưỡng chất cho bà bầu. Trong thịt vịt chứa nhiều đạm, các axit béo không no và vitamin cần thiết cho cơ thể. Vị ngọt mát của thịt vịt đã qua chế biến giúp các mẹ bầu ăn ngon miệng. Hàm lượng vitamin B và vitamin E trong thịt vịt cao hơn các loại thực phẩm khác, có tác dụng an thai rất tốt.
Thực phẩm tương khắc: Không nên kết hợp thịt vịt với các loại thực phẩm như ba ba, thịt thỏ, hạch đào, mộc nhĩ.
Hạt dẻ
Chất dinh dưỡng trong hạt dẻ rất đa dạng, dễ hấp thu cho mẹ bầu.
Hàm lượng vitamin C, vitamin B và caroten rất cao. Cùng với các chất khoáng cần thiết như sắt, kẽm, canxi, kali,… Thai phụ ăn hạt dẻ thường xuyên, không chỉ giúp phát triển tốt sức khỏe người mẹ mà còn tạo cung cấp các dưỡng chất cho xương chậu phát triển tốt. Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho sự chào đời của bé.
Thực phẩm tương khắc: Thịt bò. Khi ăn kết hợp cả 2 loại thực phẩm trong cùng một bữa ăn có thể gây chướng bụng, khó tiêu.
Củ sen
Củ sen là thực phẩm có vị ngọt thanh, mát, giòn và được sử dụng rất phổ biến trong chế biến thức ăn bổ dưỡng cho cơ thể.
Củ sen chứa tinh bột, vitamin B, vitamin C, tannin, giàu đạm, canxi và sắt. Có tác dụng thanh nhiệt, giảm mệt mỏi, suy nhược, bồi bổ ngũ tạng.
Trong củ sen, hàm lượng sắt cao giúp ngăn ngừa thiếu máu ở thai phụ. Thành phần tanin trong củ sen có tác dụng cầm máu tốt. Đặc biệt chất xơ của củ sen giúp cải thiện tiêu hóa và hấp thu, giúp thai phụ ăn ngon miệng và tăng cân đều.
Mặt khác củ sen là thực phẩm thanh nhiệt, giải độc rất tốt cho thai phụ vào mùa hè.
Dâu tây
Là một loại quả có màu đỏ bắt mắt, vị chua ngọt, cùi nhiều nước, có mùi thơm nồng
Dâu tây chứa nhiều chất dinh dưỡng bao gồm fructozơ, saccarozơ, axit citric, canxi, photpho, vitamin A, caroten,…
Ngoài ra, dâu tây còn chứa rất nhiều chất xơ giúp các mẹ bầu tiêu hóa tốt, nhuận tràng, giải quyết tình trạng táo bón thai kỳ.
Dâu tây cũng rất tốt cho tóc và da của thai phụ, do tính thanh mát của nó.
- Sữa bò: Là thực phẩm giàu đạm, vitamin A,D,C, vitamin nhóm B và các loại acid amin cần thiết. Sữa bò dễ hấp thu, có lợi cho tiêu hóa, mùi vị thơm ngon giúp các chị em bồi bổ cơ thể khi mang thai.
Thực phẩm tương khắc: Cam, giấm, rau hẹ
Cải bó xôi
Dễ tạo sỏi, do chất magie oxit và canxi sulfat trong đậu phụ có thể gây phản ứng hóa học với acid oxalic trong cải bó xôi.
Cải bó xôi: Hay còn gọi là rau chân vịt hoặc rau ba thái.Cải bó xôi là thực phẩm thuộc họ nhà cải, có vị ngọt, tính hàn, thích hợp cho mọi đối tượng. Đặc biệt là người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường.Cải bó xôi chứa hàm lượng lớn chất đạm, vitamin và khoáng chất. Hàm lượng vitamin C trong cải bó xôi cao gấp 4 lần so với cải thảo, gấp 2 lần so với củ cải. Hàm lượng caroten của cải bó xôi cao hơn hẳn so với cà rốt. Trong 500g cải bó xôi chứa hàm lượng đạm tương đương với 2 quả trứng. Phần thân của cải bó xôi chứa nhiều sắt và canxi, giúp xương và răng chắc khỏe.
Bên cạnh đó, cải bó xôi còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa rất tốt, bảo vệ thị lực và tế bào thượng bì của cơ thể. Đồng thời tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.
Ở phụ nữ mang thai có dấu hiệu thiếu máu, có thể sử dụng cải bó xôi nhằm tăng thông huyết mạch, cải thiện tuần hoàn máu, giúp sắc mặt hồng hào, tươi sáng.
Thực phẩm tương khắc: Đậu phụ. Làm giảm hấp thu, khó tiêu, dễ tạo sỏi.
Một số loại thực phẩm khác
- Mướp: Là loại quả thuộc họ nhà bầu, có tính mát, thanh thải nhiệt rất tốt cho thai phụ. Mướp chứa rất nhiều rất nhiều chất đạm, tinh bột, sắt và các vitamin A,C. Ngoài ra mướp còn có mùi thơm, chế biến được nhiều món ăn khác nhau, giúp các mẹ bầu thay đổi khẩu vị, kích thích ăn ngon.
- Gan lợn: Là thực phẩm giúp bổ máu rất hữu hiệu, lý tưởng cho các chị em phụ nữ bị thiếu máu trong thai kỳ. Trong gan lợn giàu các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, đường, canxi, photpho, vitamin A,B1,B2 và C. Đây đều là các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự bảo vệ và phát triển thể chất của cả mẹ và thai nhi.
- Mộc nhĩ mèo: Hay còn gọi là nấm tai mèo, thường mọc ở trên cây thân gỗ. Hàm lượng chất đạm, vitamin B2 và polysaccharides trong mộc nhĩ đen cao hơn hẳn so với các thực phẩm khác. Nó có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng. Chính vì thế thực phẩm này rất thích hợp dùng cho bà bầu.
- Nấm mỡ: Có tên gọi khác là nấm trắng, là loại thực phẩm phụ nữ mang thai nên thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày. Bởi nó được ví như một loại thực phẩm vàng cho sức khỏe. Trong 100g nấm mỡ có tới 30.6-40g chất đạm, 3.6g chất béo, 31.2g cacbohidrat, 14.2g chất khoáng,… Hàm lượng vitamin cao hơn các loại rau xanh, hoa quả và các loại thịt khác. Nấm mỡ giúp các mẹ bầu hấp thu nhiều dưỡng chất tốt và tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
- Củ cải: Có vị ngọt, thanh mát giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa tốt hơn. Trong củ cải chứa nhiều chất xơ và vitamin C rất tốt cho các chị em phụ nữ mang thai bị táo bón, khó tiêu.
- Lạc nhân: Là thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc thực vật. Đồng thời, lạc chứa nhiều axit béo không no, giúp giảm cholesterol máu, rất tốt cho hệ tim mạch. Ngoài ra lạc còn chứa các nguyên tố vi lượng khác như canxi, photpho, sắt,..cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra trong 3 tháng đầu, bà bầu không nên ăn các loại thực phẩm sau
- Quả nhãn: Do nhãn có tính nóng. Khi ăn vào, thai phụ có thể có cảm giác nóng trong người, khô miệng, thai nóng. Ăn nhiều nhãn không những không có tác dụng an thai mà còn có thể có biểu hiện đau bụng, ra máu. Gây ảnh hưởng sức khỏe cả mẹ và thai nhi.
- Ích mẫu thảo: Có tác dụng tăng co bóp tử cung, gây đe dọa tới sự an toàn của thai nhi. Tuyệt đối các mẹ bầu không dùng ích mẫu thảo trong thời kỳ mang thai.
- Sơn trà: Loại quả này có vị chua nên các chị em thai nghén thường thích ăn. Tuy nhiên, loại quả này có tác động kích thích sự co bóp tử cung, dễ gây sảy thai trong 3 tháng đầu. Vì thế các mẹ bầu không nên ăn loại quả này.
- Dưa hấu: Là thực phẩm mát. Nhưng khi ăn nhiều có thể gây tăng kích thích ở tử cung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.
- Ba ba: Có tính hàn, làm tăng nguy cơ sảy thai.
- Rong biển: Chứa nhiều iot. Nếu sử dụng quá nhiều, làm cản trở sự phát triển tuyến giáp ở thai nhi.
- Rượu, bia, thuốc lá: các chất độc trong rượu, bia, thuốc lá có thể gây dị tật ở thai nhi.
- Đồ ăn chế biến sẵn, muối chua: Do lượng muối trong các thực phẩm này khá cao, nên khi ăn nhiều có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển chức năng thận của trẻ. Đồng thời thừa muối có thể gây phù chi dưới ở thai phụ.
Những thực phẩm tốt cho bà bầu trong 3 tháng giữa
Bước vào giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ, sự hình thành tổ chức của thai nhi đã dần ổn định. Trong thời kỳ này, mẹ bầu nên tiếp tục bổ sung dinh dưỡng bằng các thực phẩm tốt để cùng con tăng cân và phát triển thể chất một cách tốt nhất.
Một số thực phẩm tốt cho các mẹ bầu trong giai đoạn 3 tháng giữa:
- Thịt gà: Là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ hấp thu, chế biến được các món ăn đa dạng, phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Trong 100g thịt gà có chứa 22% chất đạm, 13mg canxi, 190mg photpho, 1.5mg sắt và nhiều vitamin A, C,E. Thịt gà được coi là thịt trắng, là thực phẩm an toàn cho bà bầu. Đây vừa làm món ăn làm thuốc, vừa có tác dụng bồi bổ.
- Trứng gà: Hàm lượng sắt trong trứng gà rất cần thiết cho nhu cầu sắt tăng cao của thai phụ trong thai kỳ. Ngoài ra, trứng gà còn chứa đến 15 loại vitamin khác nhau, tỷ lệ hấp thu trứng gà vào cơ thể lên đến 99.6%.
- Gạo nếp: Có vị ngọt, tính ấm, nhiều vitamin nhóm B. Gạo nếp có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, rất đa dạng, giúp các chị em ăn ngon miệng hơn, giảm mệt mỏi, căng thẳng.
- Cá mè: Đây là thực phẩm giàu đạm, omega 3, acid béo không no rất tốt cho cơ thể. Thai phụ ăn cá mè thường xuyên không chỉ giúp cho não bộ của trẻ phát triển, mà còn có làn da đẹp, mịn màng, khỏe mạnh.
- Khoai lang: Là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhuận tràng, tiêu hóa tốt. Khoai lang thích hợp cho các mẹ bầu bị táo bón, đại tiện khó khăn.
- Cần tây: Là loại rau thường xào với thịt bò, dễ ăn và giàu chất dinh dưỡng. Các acid amin tự do và các vitamin có trong cần tây giúp tăng cảm giác thèm ăn, thúc đẩy tuần hoàn máu và bổ não. Thường xuyên ăn cần tây, giúp thai phụ tiêu hóa tốt, ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai.
- Dưa chuột: Chứa đến 96.2% là nước cùng các vitamin và các acid amin tự do khác. Acid tartronic trong dưa chuột có tác dụng ức chế chuyển đường thành chất béo. Vì vậy giúp giảm béo, và phòng bệnh tim mạch. Ngoài ra, dưa chuột còn chứa kali, có tác dụng lợi tiểu, giúp giảm phù ở phụ nữ mang thai.
- Hải sâm: Thịt hải sâm mềm, dai, ngon, ngọt, giàu giá trị dinh dưỡng. Trong hải sâm chứa hơn 50 loại chất dinh dưỡng và 18 loại acid amin khác nhau. Hàm lượng đạm cũng cao hơn các loại thực phẩm khác. Chính vì thế rất tốt cho thai phụ.
- Táo tàu: Vị ngọt, tính ấm, có tác dụng dưỡng thai, an thần rất tốt. Bà bầu thường xuyên ăn táo tàu giúp chống trầm cảm, tĩnh dưỡng tinh thần.
- Đu đủ: Lượng vitamin trong đu đủ rất lớn, đặc biệt là vitamin C. Đu đủ còn có tác dụng nhuận tràng, có lợi cho tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở bà bầu.
- Cà chua: Chứa caroten, vitamin B,C và đặc biệt là hàm lượng phospho. Cà chua vừa có thể ăn như một loại hoa quả, vừa có thể chế biến thành nhiều món ăn. Kích thích vị giác và bổ trợ trị bệnh thiếu máu cho phụ nữ mang thai.
- Đậu Hà Lan: Chất đạm của đậu Hà Lan là nguồn đạm quý không kém các loại đậu khác. Thai phụ thường xuyên ăn đậu Hà Lan có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, táo bón và nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể.
- Đậu đen: Có tính mát, thanh nhiệt, lợi tiểu tốt. Giúp thai phụ giảm phù chi, đồng thời hạ cholesterol máu khá tốt, chống lại các bệnh tim mạch.
- Gà ác: Chứa khoảng 47-57% là chất đạm tốt và khoảng 8 loại acid amin cần thiết cho cơ thể. Ăn gà ác giúp các mẹ bầu bổ sung đạm, acid amin tốt, có tác dụng tăng thể lực, chống lão hóa. Ngoài ra DHA, sắt, vitamin A,B12,… Cũng rất thích hợp cho sự hình thành và phát triển của em bé trong buồng tử cung người mẹ.
- Thịt lợn: Là thực phẩm quen thuộc với mọi người. Thịt lợn chứa nhiệt lượng lớn, nhiều chất dinh dưỡng và giàu đạm.
- Cải thảo: Là loại rau nhiều chất xơ, vitamin B,C, canxi, photpho và sắt. Hàm lượng vitamin C và B2 có trong cải thảo cao gấp 5 lần so với táo. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng cao hơn thịt và trứng. Đây là loại rau rất tốt cho sức khỏe bà bầu.
Bên cạnh các thực phẩm tốt cho sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của thai nhi, cần lưu ý một số thực phẩm mà các mẹ bầu không nên ăn như các thực phẩm cay nóng nhiều như ớt cay, mù tạt, hoa tiêu… có thể gây táo bón nếu ăn quá nhiều. Không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường hóa học như nước ngọt, các loại nước uống có ga hoặc các loại nước uống có chất kích thích như rượu, bia, cà phê… Tất cả các loại thức uống này gây tác động không tốt tới thai nhi, tăng gánh nặng lên các cơ quan nội tạng của mẹ.
Những thực phẩm tốt cho bà bầu trong 3 tháng cuối
3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn chuẩn bị cho sự chào đời của bé yêu. Ở giai đoạn này cân nặng của bé tăng nhanh, chính vì thế chế độ dinh dưỡng của mẹ cần được cung cấp tốt, đa dạng và giàu dinh dưỡng.
Các bà mẹ nên bổ sung thêm các thực phẩm tốt vào giai đoạn này để thuận lợi cho sự phát triển của thai nhi ở giai đoạn cuối này. Cụ thể
- Cà rốt: Rất giàu caroten và vitamin A tốt cho mắt đồng thời tham gia tăng cường hệ thống miễn dịch. Giúp mẹ tăng sức đề kháng, có sức khỏe tốt cho sự sinh nở.
- Các loại cá nước ngọt như cá chép, cá chạch, lươn: Rất bổ cho bà bầu. Đây là nhóm thực phẩm giàu đạm, canxi và photpho, có lợi cho gan, thận, tì ở phụ nữ có thai.
- Thịt bò: Có tính ấm, chế biến được nhiều món ngon đa dạng. Thịt bò cũng rất giàu dinh dưỡng, hàm lượng chất béo thấp,nhiều sắt, có tác dụng bổ máu, thích hợp cho phụ nữ có thai.
- Nấm kim châm, nấm hương: Là nguồn đạm có nguồn gốc thực vật quan trọng.
- Lạc nhân, đậu đỏ, đậu cove, hạch đào: Giàu đạm, acid béo không no và chất xơ giúp các mẹ bầu tiêu hóa hơn.
- Cá mực, ngao, bạch tuộc: Là các hải sản giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn đưa cơm. Ngoài tác dụng bồi bổ cơ thể, còn có tác dụng an thai rất tốt.
- Chim bồ câu: Là loại thực phẩm khá phổ biến mà các chị em thường hay sử dụng trong thực đơn hàng ngày. Nguồn đạm tốt, giàu vitamin và acid amin trong thịt chim bồ câu giúp bà bầu thanh nhiệt, giải độc, chống suy nhược và an thần.
Bên cạnh đó, không nên sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp hay các đồ ăn nhanh như thịt hộp, cá hộp, mỳ tôm… do có chứa chất bảo quản không tốt cho sự phát triển của thai nhi.
Hơn nữa các loại thực phẩm đại bổ như sâm, linh chi, đông trùng hạ thảo,..cũng không nên bổ sung trong giai đoạn này. Do lượng dinh dưỡng đậm đặc, có thể gây tăng trọng lượng cơ thể mẹ và thai nhi nhanh, gây khó khăn trong việc sinh nở sau này. Hoặc có thể gây kích thích sự phát triển bất thường ở thai nhi, dẫn đến dọa đẻ non hoặc sảy thai.
Xem thêm: 5 phương pháp giảm mỡ bụng sau sinh mổ đơn giản, hiệu quả tại nhà
Bà bầu nên ăn gì để an thai?
Ăn gì để an thai, vừa tốt cho mẹ, vừa tốt cho thai nhi là điều mà bất kỳ bà bầu nào cũng băn khoăn, suy nghĩ. Sau đây, xin giới thiệu với các mẹ bầu một số món ăn ngon, bổ dưỡng, tốt cho mẹ, khỏe cho bé. Và đặc biệt là rất dễ nấu, các chị em có thể tự làm tại nhà trong thời gian rảnh.
Canh cá chép nấu bí đao
Canh cá chép nấu bí đao là món ăn thích hợp cho bà bầu. Có tác dụng bổ tì ích vị, lợi tiểu, tiêu phù. Giúp các mẹ vừa tăng cường sức khỏe, vừa an thai rất tốt.
Để nấu được món canh ngọt mát, thanh nhiệt này, các chị em cần chuẩn bị nguyên liệu bao gồm bí đao non 100g, cá chép 1 con khoảng 400g, kỉ tử 3g, gừng tươi 10g, cải chíp 20g, dầu lạc 10g, muối 5g, hạt tiêu một ít, rượu 3g.
Cách chế biến:
- Bí đao gọt vỏ, bỏ hạt, thái nhỏ. Cá chép làm sạch. Gừng tươi thái sợi. Cải chíp rửa sạch.
- Đun dầu nóng, cho cá vào chảo, đun lửa nhỏ. Cho gừng, rượu, nước dùng vào đun cho đến khi canh có màu trắng đục. Sau đó cho bí đao vào đun tiếp.
- Cho kỉ tử, cải chíp, muối, hạt tiêu vào khuấy đều, đun khoảng 7 phút nữa là được.
Các chị em mang bầu nên ăn món ăn này vào bữa chính trong ngày để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ và bé.
Cháo thịt gà nấu trứng bắc thảo
Đây là món ăn ngon bổ dưỡng, các mẹ bầu có thể ăn vào buổi sáng hoặc buổi tối để bổ sung năng lượng cho cơ thể.
Món cháo này dễ ăn, chứa nhiều chất đạm, chất béo, đường, sắt, canxi và vitamin,… Thích hợp cho các mẹ bầu bồi bổ sức khỏe và an thai rất tốt.
Để nấu được món cháo này, các chị em cần chuẩn bị một số nguyên liệu như sau: thịt gà 30g, gạo 200g, trứng bắc thảo 1 quả, gừng tươi, hành mỗi loại 50g, muối 3g.
Các bước làm món cháo thịt gà nấu trứng bắc thảo:
Sơ chế thịt gà và các loại gia vị. Cho thịt gà vào nước đun sôi, luộc sơ rồi vớt ra rửa sạch. Gạo vo sạch. Trứng bắc thảo bỏ vỏ, thái nhỏ. Gừng thái sợi. Hành thái nhỏ.
Đổ nước vào nồi áp suất, cho gạo vào rồi đun khoảng 30 phút. Sau đó cho thịt gà, trứng bắc thảo, gừng tươi và hành sợi vào và tiếp tục đun 30 phút nữa. Múc cháo ra bát, cho hành vào là được.
Canh đẳng sâm nấu chim bồ câu
Đối với các chị em thích ăn nhẹ, ăn vào bữa sáng hoặc bữa xế chiều, thì canh đẳng sâm nấu chim bồ câu là một món lý tưởng. Với đặc điểm ngon, dễ ăn, dễ nấu, giàu giá trị dinh dưỡng, các mẹ bầu nên tham khảo thực hiện món ăn này.
Nguyên liệu gồm: chim bồ câu 1 con, đẳng sâm 20g, hoàng kì, hoài sơn mỗi loại 30g, gia vị thích hợp.
Cách chế biến: Chim bồ câu làm sạch, chặt miếng, cho vào nồi cùng đẳng sâm, hoàng kì và hoài sơn. Đổ lượng nước vừa đủ, đun chín nhừ và nêm gia vị vừa ăn theo khẩu vị.
Bà bầu nên ăn món này 3-5 lần liên tiếp, cách ngày ăn 1 lần.
Chim bồ câu thơm ngon, giàu dinh dưỡng kết hợp với đẳng sâm, hoàng kì và hoài sơn giúp làm nên món ăn bổ dưỡng, an thai. Thai phụ ăn vào giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng, tăng sức đề kháng và phục hồi sức khỏe cả mẹ và thai nhi một cách nhanh chóng.
Ngoài các món ăn bổ dưỡng, mẹ bầu nên ăn bổ sung thêm các loại rau xanh và trái cây trong thực đơn hàng ngày để cải thiện tiêu hóa, cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của thai phụ.
Tuy nhiên tránh ăn quá nhiều một loại thực phẩm, ăn uống quá độ, ăn lệch một nhóm thức ăn nào đó hoặc ăn chay trường trong thời kỳ mang thai. Điều này có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của mẹ và bé.
Giải đáp thắc mắc
Trái cây gì tốt cho bà bầu?
Có thể nói trái cây là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Đối với phụ nữ mang thai, điều này đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển thể chất của cả mẹ và thai nhi.
Trong quá trình mang thai, các mẹ nên thường xuyên ăn đa dạng các loại trái cây để bổ sung các vitamin thiết yếu cho cơ thể. Giúp cung cấp đầy đủ và đa dạng dinh dưỡng, cũng như tăng cường khả năng miễn dịch.
Một số loại quả mẹ bầu nên ăn bổ sung trong thực đơn hàng ngày như ổi, bơ, lựu, cam, việt quất, dưa hấu, táo, lê, xoài, bưởi,… Đây đều là các loại quả có vị ngon, thanh mát, chứa nhiều vitamin A, C, kali và chất xơ. Tạo thuận lợi cho tiêu hóa và hấp thu. Đồng thời giúp các mẹ bầu thanh nhiệt, nhuận tràng, giảm táo bón, nâng cao sức khỏe.
Lưu ý: Các mẹ bầu nên lựa chọn các loại quả theo mùa, tươi ngon, không chất bảo quản. Ưu tiên các loại hoa quả sạch, trồng tại nhà, đảm bảo khoảng cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Không nên mua các loại trái cây trái mùa, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bà bầu kiêng ăn gì?
Dinh dưỡng trong thai kỳ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé, cũng như sự tiết sữa sau khi sinh. Bên cạnh những thực phẩm tốt, có lợi cho sức khỏe, các mẹ bầu cần lưu ý không nên ăn các loại thực phẩm sống hoặc chưa được nấu chín như gỏi cá, nem chua, trứng sống,… Đây có thể là ổ vi sinh vật, ấu trùng hoặc trứng của kí sinh trùng gây bệnh. Điều này gây ảnh hưởng xấu tới thai phụ và thai nhi.
Các mẹ nên kiêng các loại thực phẩm ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp sẵn và các loại thực phẩm muối chua như dưa muối, cà muối, cá muối, thịt muối,… Những thực phẩm này có hàm lượng muối rất cao, là nguyên nhân có thể gây phù, tăng huyết áp ở mẹ. Đồng thời gây ảnh hưởng tới chức năng bài tiết của thận ở thai nhi.
Kiêng các loại nước ngọt, thức uống có ga và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,… Do chúng có các chất độc với sự biệt hóa và phát triển tổ chức ở thai nhi, dễ gây dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, các loại thức uống này, chứa chất bảo quản không tốt cho phụ nữ có thai.
Bà bầu nên có nên dùng thêm thực phẩm chức năng không?
Việc bổ sung các dưỡng chất cho mẹ và thai nhi qua chế độ ăn hàng ngày là rất quan trọng. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, mẹ bầu gặp khó khăn trong việc bổ sung và hấp thu các chất dinh dưỡng vào cơ thể. Lúc ấy, các thực phẩm chức năng lại thể hiện được ưu điểm của nó trong giải quyết vấn đề này. Chúng giúp bổ sung các vi chất cần thiết cho cơ thể mà thức ăn hàng ngày không cung cấp đủ hoặc cơ thể không tự tổng hợp được hoặc vi chất mất đi một phần trong quá trình chế biến thức ăn.
Đặc biệt sử dụng các thực phẩm chức năng chứa sắt, acid folic, DHA, omega, kali, photpho, canxi,.. Giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tăng cao do sự thay đổi sinh lý ở người mẹ và sự hình thành và phát triển của bé. Đồng thời nâng cao sức đề kháng của cơ thể và ngăn ngừa các bệnh ở thai nhi do thiếu vi chất gây nên.
Tuy nhiên không vì thế mà các mẹ bầu sử dụng lạm dụng các thực phẩm chức năng trong quá trình mang thai.
Nên hay không sử dụng các loại thực phẩm chức năng cần có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn. Không nên tự ý sử dụng trong suốt thai kỳ.
Bà bầu có nên ăn hải sản?
Hải sản là các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tăng khẩu vị, kích thích ăn ngon. Hải sản bao gồm cá, tôm, cua, ốc, hến, mực, sò,.. Đây là nguồn thức ăn giàu chất đạm, omega-3 rất tốt cho sức khỏe. Chính vì thế, bà bầu nên bổ sung các loại hải sản vào bữa ăn hàng ngày của mình để cung cấp đầy đủ và đa dạng hơn về thành phần dinh dưỡng.
Theo Cục quản lý thực phẩm bà dược phẩm FDA – HOA KỲ, phụ nữ mang thai nên ăn khoảng 340g hải sản nấu chín mỗi tuần. Nhằm thúc đẩy sự phát triển thể chất của cả mẹ và bé. Tuy nhiên cần tuân thủ nguyên tắc ” ăn chín, uống sôi”, diệt khuẩn và chế biến sạch sẽ khi nấu ăn. Không ăn hải sản sống hoặc chưa được nấu chín như gỏi cá, gỏi mực,…
Không ăn các loại hải sản chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá thu vua, cá kiếm, cá ngừ đóng hộp. Do thủy ngân rất độc trên hệ thần kinh, đặc biệt ở thai nhi và trẻ sơ sinh.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về những thực phẩm tốt, giàu dinh dưỡng dành cho phụ nữ mang thai. Hy vọng các mẹ bầu được trang bị thêm những kiến thức bổ ích trong việc lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Để đem những gì tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Chuẩn bị đầy đủ những điều tốt đẹp nhất cho sức khỏe cả về thể chất và trí tuệ cho con trẻ.
Xem thêm: Các dấu hiệu thai yếu điển hình trong 3 tháng đầu, 3 tháng cuối thai kì mà mẹ bầu cần quan tâm