Làm mẹ là một thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Tuy nhiên trong quá trình mang thai mỗi người đều có những băn khoăn lo lắng nhất định đặc biệt là những bạn chuẩn bị sinh con đầu lòng. Phần lớn phụ nữ thường mong muốn được sinh con đường dưới, để con sinh ra tự nhiên và cũng đảm bảo phục hồi sức khỏe của mẹ tốt hơn sau sinh. Vậy những dấu hiệu nào cho thấy bạn có thể dễ có một cuộc đẻ thuận lợi. Bài viết này Glyderm sẽ đồng hành cùng các bạn giải thích một số dấu hiệu dễ đẻ và chia sẻ kinh nghiệm giúp vơi bớt nỗi lo cho các mẹ bầu.
Nội Dung Chính
Dấu hiệu dễ đẻ ở mẹ
Phụ nữ có phần hông to sẽ dễ đẻ hơn
Trong quá trình mang thai, dưới sự thay đổi tác dụng của các tuyến hormone, phần sụn ở đầu khớp nối và các dây chằng vùng chậu linh hoạt hơn và có khả năng giãn mở, làm khung chậu trở nên to hơn, thai sẽ dễ lọt qua trong quá trình sinh. Kích thước tiểu khung thường có ý nghĩa hơn trong sản khoa, bình thường đường kính trước sau 9,5 -11 cm, đường kính ngang 11 cm. Khi chuyển dạ, khung chậu có thể giãn nở 1-2 cm.
Phụ nữ có phần hông to và nông thì thai nhi sẽ dễ dàng đi qua hơn, do vậy sổ thai sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn so với những người có phần xương chậu hẹp và sâu.
Tuy nhiên cần tránh nhầm lẫn phụ nữ có phần hông to với phụ nữ có vòng 3 lớn vì có thể vùng mông của họ khá lớn nhưng lại có phần xương chậu nhỏ.
Kích cỡ vùng hông thường khó thay đổi, tuy nhiên các chị em có thể cải thiện độ linh hoạt của khớp như tham gia các lớp học tiền sản, yoga cho mẹ bầu .
Mẹ bầu có cân nặng ổn định
Cân nặng trong thời kỳ mang thai luôn là một vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. Người ta ước tính, nếu mẹ bầu tăng đủ 8 -12 kg trong cả quá trình mang thai, thì thai nhi sinh ra sẽ có cân nặng trong mức bình thường. Sự tăng trọng lượng diễn ra không đều, trong 3 tháng giữa tăng nhiều nhất 0,5 kg/tuần ( khoảng 6 kg), 3 tháng cuối có thể tăng 4-5kg. Việc theo dõi thấy cân nặng tăng bất thường giúp bác sĩ chẩn đoán sớm nhiễm độc thai nghén.
Những bà mẹ có mức cân nặng ổn định thì sức khỏe cũng tốt, dẻo dai, khỏe sức hơn so với những mẹ bầu thừa cân béo phì và cũng hạn chế được các nguy cơ mắc tiểu đường hay tăng huyết áp thai kỳ gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho cả mẹ và bé. Mẹ thừa cân sẽ dễ mất sức hơn, khiển cuộc sinh khó khăn, kéo dài. Cũng có khi mẹ quá cân nên thai nhi lớn, không thể sinh thường phải có chỉ định sinh mổ.,
Người mẹ khi mang thai cần có chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, đa dạng nhiều loại thực phẩm để cung cấp đủ dinh dưỡng cho nhu cầu hằng ngày và phải chú ý đến cân nặng tránh trường hợp thai quá to sẽ gây khó khăn trong quá trình sinh.
Phụ nữ từng đẻ thường
Những bà mẹ đã từng sinh con tự nhiên thường chịu đựng cơn đau chuyển dạ dài hơn, những người sinh mổ nhưng quá trình bình phục lại nhanh hơn. Thường là 16 -24 tiếng với con so và khoảng 8 -12 tiếng với con dạ tính từ cơn co tử cung chuyển dạ đầu tiên. Nguyên nhân là do cổ tử cung của người mẹ đã bị giãn ra ở lần sinh đầu nên lần sinh tiếp theo cổ tử cung mở ra nhanh hơn và em bé cũng dễ dàng chui ra hơn.
Thứ hai đó là yếu tố tâm lý. Người mẹ đã từng sinh thường sẽ có kinh nghiệm hơn họ biết cách hít thở, rặn và phối hợp với bác sĩ tốt hơn, cũng không phải quá lo lắng chăm sóc trẻ sơ sinh, nuôi dạy con cái nên ít gặp các vấn đề về tâm lý hơn.
Có nghiên cứu đã chứng minh rằng phụ nữ có tâm lý căng thẳng lo âu thì quá trình chuyển dạ sẽ diễn ra lâu hơn do vậy sẽ gặp nhiều đau đớn hơn.
Hầu hết các bà mẹ đã từng sinh con đường dưới thuận lợi vẫn sẽ lựa chọn sinh thường cho những lần sinh sau và quá trình sinh cũng thường sẽ suôn sẻ hơn lần đầu.
Mẹ còn trẻ
Nghiên cứu cho thấy độ tuổi thích hợp nhất để mang thai là 22-29 tuổi, khi đó mẹ còn trẻ sức khỏe ổn định, cơ thể dẻo dai sẽ dễ dàng sinh nở hơn. Nếu mang thai quá sớm, cơ thể mẹ chưa phát triển hoàn toàn về thể chất lẫn tâm lý để chuẩn bị làm mẹ như khung chậu nhỏ, cơ quan sinh sản, hormon còn nhiều thay đổi, tâm lý chưa vững vàng nên dễ gây ra nhiều tai biến sản khoa. Ngược lại, mẹ sinh con khi đã lớn tuổi lại gặp khó khăn về sức khỏe, khi cơ thể đã có sự lão hóa, mất đi sự dẻo dai, sức khỏe có phần giảm sút sẽ gây khó sinh, mất sức khi sinh. Thậm chí với những bà mẹ đã sinh nhiều con, tử cung đã giảm độ đánh hồi dễ gây đờ tử cung, băng huyết sau sinh có thể dẫn đến tử vong cho mẹ.
Mẹ tập thể dục thường xuyên trong quá trình mang thai
Người mẹ mang thai có thói quen tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn hằng ngày sẽ thường có sức khỏe tốt hơn, dẻo dai và sức chịu đựng tốt hơn những bà mẹ ít vận động, và không thường xuyên tập luyện.
Nhiều nghiên cứu cũng khẳng định việc tập luyện thể dục khi mang bầu giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm và giảm đáng kể nguy cơ sinh non do nguyên nhân tâm lý.
Phụ nữ có thai có thể đi bộ, tập các bài tập yoga dành cho mẹ bầu, ngồi thiền, hay massage vùng bụng, có thể kết hợp với nghe nhạc không lời vừa giúp tinh thần thư thái, dễ chịu hơn vừa giúp tăng cường sức khỏe, sẽ thuận lợi hơn trong khi sinh nở, đồng thời kích thích phát triển não bộ cho thai nhi.
Dấu hiệu dễ đẻ ở thai nhi
Thai nhi có kích thước vòng đầu bình thường
Đầu của thai nhi là phần to và cứng nhất, lại ít có khả năng thu nhỏ đường kính nên rất quan trọng trong quá trình sinh. Kích thước vòng đầu của một thai nhi bình thường ở những tuần cuối của thai kỳ là 34 -35 cm. Nếu kích thước vòng đầu thai nhi quá to, thai sẽ khó qua được phần khung của xương chậu đặc biệt là phần tiểu khung để sổ ra ngoài nên gây khó khăn cho mẹ khi đẻ.
Tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào kích thước xương chậu, sức khỏe của mẹ, và cả ngôi của thai để bác sĩ đưa ra chỉ định mổ lấy thai hay không.
Khám thai định kỳ là một bước rất quan trọng giúp bác sĩ sớm chẩn đoán bất thường của thai nhi từ đó đưa ra những hướng xử trí hợp lý nhất.
Thai nhi quay đầu xuống dưới
- Ở mỗi một thời điểm của thai kỳ, em bé trong bụng mẹ sẽ quay nhiều tư thế khác nhau. Thông thường đến khoảng tuần thai thứ 35, thai nhi sẽ quay đầu xuống dưới ống sinh và sẽ giữ nguyên tư thế này đến khi chào đời. Ngôi thai thuận là khi bé quay đầu xuống dưới, gáy quay về phía bụng của mẹ. Ở tư thế này trong quá trình chuyển dạ, thai nhi sẽ tạo ra được áp lực đủ lớn lên tử cung làm tử cung mở rộng hơn, thai sẽ dễ dàng đi ra ngoài.
- Tuy nhiên cũng có khoảng 3% thai sẽ ở vị trí ngôi ngược: Ngôi mông ( mông quay xuống dưới) hoặc ngôi sau ( mặt quay về phía bụng của mẹ). Các trường hợp này, việc đẻ thường gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé nên thường có chỉ định mổ lấy thai.
- Có nhiều cách giúp mẹ nhận biết thai nhi đã quay đầu hay chưa, nhưng đơn giản nhất là siêu âm thai. Bác sĩ cũng sẽ qua hình ảnh siêu âm đánh giá tình trạng thai nhi có phát triển bình thường hay không, tình trạng ối, có dị tật muộn không.
- Ngoài ra mẹ có thể qua cử động thai để phán đoán ngôi thai. Bé đã quay đầu thường sẽ đạp ở phần trên rốn, bé mới quay đầu được 1 nửa ( ngôi ngang) sẽ đạp ở phần 2 bên bụng.
- Nếu sau tuần 35 mà thai nhi vẫn chưa quay đầu thì mẹ có thể thực hiện một vài động tác hỗ trợ, giúp thai dễ quay đầu hơn: Đi lại nhẹ nhàng, hạn chế ngồi lâu, ngồi ngả người về phía sau. Khi ngủ nên nghiêng về bên trái vừa giúp máu lưu thông dễ dàng đến phần chi dưới vừa giúp thai dễ quay đầu. Mẹ cũng có thể tập bò hoặc một số động tác yoga dưới sự hướng dẫn của người có chuyên môn để tránh vận động mạnh ảnh hưởng đến thai.
Những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh
Khi người mẹ đã mang thai đủ số tuần từ 37-42 tuần, cơ thể có các dấu hiệu sau thì có thể nghĩ đến chuyển dạ sắp sinh:
- Đau bụng, từng cơn, tăng dần: Đây chính là dấu hiệu rõ ràng nhất. Cơn đau thường từ lưng dưới đến vùng bụng, có thể lan ra đến 2 bên sườn và vùng bắp đùi, đau có tính chất chu kỳ và đều đặn, sẽ tăng dần về cường độ và tần suất.
- Ra dịch nhầy hồng ở âm đạo: Dấu hiệu này được coi là máu báo sắp sinh, dịch nhầy này bình thường bịt kín ở cổ tử cung để ngăn ngừa các yếu tố viêm nhiễm từ bên ngoài xâm nhập, khi cổ tử cung mở sắp sinh, nút nhầy này sẽ bong ra ngoài có thể lẫn với ít máu của niêm mạc tử cung.
- Có sự thay đổi ở cổ tử cung (có sự xóa, mở tử cung): Trong cuộc chuyển dạ bình thường, cổ tử cung sẽ dần dần mở ra đến khi tương xứng với độ lọt của đầu thai nhi.
- Dấu hiệu ra nước ối: Nước ối đủ tháng thường có màu lờ lờ trắng đục, hơi nhớt và có mùi hơi tanh. Khi màng ối vỡ, nước từ bên trong sẽ chảy ra và tạo ra áp lực giúp thai dễ sổ ra ngoài. Khi mẹ thấy nước ối chảy ra đó là dấu hiệu của rỉ ối hoặc vỡ ối sớm báo hiệu sắp sinh.
- Có sự tiến triển của ngôi thai: Sau mỗi cơn co tử cung, ngôi thai sẽ dần dần bình chỉnh, uốn khuôn và lọt dần xuống khung xương chậu phía dưới.Mẹ sẽ cảm giác nặng nề hơn, nếu gần sinh có thể có cảm giác mót rặn.
Đối với nhân viên y tế, chẩn đoán chuyển dạ khi có 3 trong 5 tiêu chuẩn trên.
Ngoài ra, khi gần đến ngày sinh, cơ thể mẹ cũng có nhiều thay đổi có thể coi là dấu hiệu để nhận biết thêm: chậm tăng cân, hay bị chuột rút và đau vùng lưng, hênh, đi tiểu nhiều hơn, mót rặn, buồn đi đại tiện nhưng lại không ra,… cũng có trường hợp bị mất ngủ, phù 2 chi dưới.
Tuy nhiên, nếu thấy các biểu hiện trên xuất hiện ở thời điểm sớm hơn, mẹ nên thật sự chú ý vì nó có thể là dấu hiệu của sắp sinh non, dọa sảy thai. Mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.